Friday, March 23, 2012

Tản mạn về bản quyền phần mềm


Biểu tượng Copyleft
 
Là một sản phẩm công nghiệp, nhưng chắc chắn phần mềm không giống như một chiếc xe hơi hay máy bay trực thăng. Vì vậy, phần mềm được bảo hộ theo quy định của sở hữu trí tuệ. Thuật ngữ đang dùng là Copyright - tác quyền.

 
Quốc gia bảo hộ tác quyền nghiêm ngặt nhất thế giới là Mỹ. Nhưng khi tìm hiểu luật pháp Mỹ về Copyright theo luật bản quyền hồi 1978 thì chỉ thấy có tám lĩnh vực được bảo hộ tác quyền đó là:
  1. Những lĩnh vực thuộc văn học
  2. Âm nhạc bao gồm nhạc và ca từ
  3. Kịch nói và những phần trong vở kịch ví dụ như nhạc trong kịch
  4. Kịch câm và những phần khác trong vở kịch
  5. Tranh, tạo hình, điêu khắc
  6. Hình ảnh động
  7. Ghi âm
  8. Kiến trúc
Còn phần mềm thì sao? Thực ra tám lĩnh vực nêu trên phải được hiểu theo diện rộng và bản quyền phần mềm được bảo hộ nằm trong lĩnh vực đầu tiên - Văn học. Bạn có thấy thú vị khi mọi người bảo rằng “Viết phần mềm hay phần mềm được viết bởi…” chứ không ai nói rằng gõ máy tính để tạo phần mềm cả.

Các quy ước:
Dấu hiệu để một sản phẩm trí tuệ thông báo đến mọi người rằng nó đã được đăng ký bảo hộ theo Copyright bao gồm:
1. chữ C trong vòng tròn ©, cũng có thể ghi tắt là “Corp” hoặc ghi đầy đủ ”Copyright”.
2. Năm đầu tiên công bố hoặc phát hành sản phẩm.
3. Tên tác giả sở hữu sản phẩm theo quy định của Copyright

Ví dụ: © 1986 Thanh Nien.
Trong thế giới ghi âm thì thuật ngữ “Phonorecord” được dùng để chỉ các sản phẩm được sản xuất ra để lưu trữ âm thanh lên đó như: Băng cassette, đĩa CD, DVD, đĩa 45 vòng/phút và những định dạng lưu trữ âm thanh khác… và quy ước chữ C trong vòng tròn thì được thay bằng chữ P trong trường hợp này. Ví dụ: 2002 A. B. C. Records Inc.

* Copyright trên phạm vi toàn cầu?
Không có cái gọi là “International Copyright” mà khi một sản phẩm trí tuệ được bảo hộ bởi Copyright thì đương nhiên nó có hiệu ứng trên toàn thế giới. Nhưng lại còn tùy thuộc vào luật pháp của từng quốc gia cụ thể. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia hiện nay đều phải chấp nhận bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của nước ngoài theo hướng đơn giản hóa tại công ước thỏa thuận bản quyền thế giới.

* Copyleft một khía cạnh khác của sở hữu trí tuệ
Thuật ngữ Copyleft lúc đầu là một cách chơi chữ đối với Copyright mà biểu tượng của nó cũng là một chữ C trong vòng tròn nhưng… Chữ C ngược. Một sản phẩm đã đặt dưới sự bảo hộ của Copyright thì chỉ có bỏ tiền ra mua về dùng, không được sao chép, chỉnh sửa bổ sung hay tái phân phối. Nói chung là mất tự do đối với sản phẩm tốn tiền mua!
Với Copyleft License người tiếp nhận sản phẩm có thể sao chép, chỉnh sửa, bổ sung và tái phân phối sản phẩm. Theo cách đó chúng ta có thể hiểu Copyleft là đối trọng của Copyright. Nhưng, xin nhấn mạnh rằng không phải cứ Copyleft là miễn phí đâu. Xét cho cùng Copyleft là cách mang lại tự do cho người dùng sản phẩm chứ không phải là miễn phí khi dùng sản phẩm.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của Copyleft chính là người tạo ra sản phẩm khiêm tốn nghĩ rằng nó chưa hoàn hảo. Vì vậy, họ để ngỏ khả năng cho những người khác chỉnh sửa, bổ sung hy vọng qua đó sẽ có những sản phẩm tốt hơn phục vụ cộng đồng.
Khái niệm Copyleft xuất hiện khi Richard Stallman làm việc để phát triển Lips (Một chương trình ngôn ngữ của máy tính). Hãng Symbolics đã đề nghị và được Stallman đồng ý để họ mở rộng và cải tiến chương trình Lips. Nhưng, khi Stallman muốn truy cập vào chương trình đã được cải tiến đó thì lại bị Symbolics từ chối!
Năm 1984, Richard Stallman định hướng phát triển sản phẩm của mình thành Software Hoarding (Tạm dịch là phần mềm có khả năng tích hợp thêm). Để loại trừ ảnh hưởng của Copyright, Stallman đã tạo ra giấy phép bản quyền theo kiểu riêng đó là GNU GPL loại giấy phép Copyleft đầu tiên. Trong lĩnh vực phần mềm máy tính Torvalds đã trở nên nổi tiếng khi chú trọng đến khía cạnh thực hành của Copyleft với hệ điều hành Linux đang ngày càng trở nên đối thủ đáng ngại cho Windows của Microsoft.
Trong lĩnh vực tin học-công nghệ thông tin nạn xâm phạm bản quyền phần mềm chưa bao giờ hạ nhiệt, nhất là ở những nước đang phát triển, nhiều lý do khác nhau để không thể mua bản quyền. Do vậy những Freeware và Free software đang trở nên rất cần thiết

* Free Software:
Trước hết đó không phải là những phần mềm miễn phí hoàn toàn, mà là những phần mềm theo xu hướng Copyleft, có nghĩa là sự tự do cho người dùng. Theo Wikipedia (Một Encycloppedia), Free Software mang lại cho người dùng 4 quyền cơ bản sau:
- Tự do chạy chương trình vì bất kỳ mục đích gì
- Tự do nghiên cứu và chỉnh sửa, bổ sung chương trình
- Tự do nhân bản chương trình
- Tự do tái phân phối các phiên bản của chương trình đã được chỉnh sửa, bổ sung.
Điển hình của Free Software chính là hệ điều hành Linux mà cha đẻ của nó được coi như là thuộc về Linus Torvalds.

Điển hình của Free Software nhưng hoàn toàn miễn phí và rất hữu dụng là:
OpenOffice tải về từ địa chỉ http://openoffice.org hoặc bản đã Việt hóa tại địa chỉ www.vietkey.com,  và EasyOfffice tải về từ địa chỉ www.e-press.com .
Muốn tìm hiểu sâu hơn những điều thú vị xoay quanh Copyright, Copyleft, GNU PGL, Open source license, Free Software… bạn hãy truy cập vào địa chỉ http://en.wikipedia.org và dùng những từ khóa trên để tìm kiếm.
Tạ Xuân Quan

0 comments:

Post a Comment